Hôm qua 22.10,Đềxuấthỗtrợtàichínhchođàotạotiếnsĩcây bạch mã hoàng tử Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (UB VH-GD) của Quốc hội đã gửi tới đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ (TS). Ngoài nội dung đánh giá thực trạng đào tạo TS hiện nay, báo cáo còn đưa ra một số đề xuất trong đó thể hiện quan điểm mới, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế như coi đào tạo TS là đào tạo tinh hoa, đề xuất chính sách hỗ trợ của nhà nước cho đào tạo TS.
Trong báo cáo cũng nhiều lần nhắc đến khái niệm liêm chính học thuật như một yêu cầu mà nền đào tạo TS cần xây dựng, hình thành; phê phán xu hướng động cơ làm TS lệch lạc, vì bằng cấp, không phục vụ yêu cầu chuyên môn.
CHI PHÍ CHO ĐÀO TẠO TIẾN SĨ CHỈ 16 TRIỆU ĐỒNG/NĂM
Theo UB VH-GD, đầu tư cho lĩnh vực GD ĐH nói chung, đào tạo TS nói riêng còn thấp. Tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho GD ĐH trong 3 năm gần đây chỉ đạt từ 4,33 - 4,74% tổng chi ngân sách cho GD-ĐT (xấp xỉ khoảng 1% so với tổng chi ngân sách nhà nước).
Chi phí đào tạo một TS tại các trường ĐH công lập hiện nay trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm (trừ lĩnh vực khoa học sức khỏe, khoảng gần 32 triệu đồng/năm), thấp hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo TS ở một số nước trong khu vực và thế giới. Do đó, các cơ sở đào tạo TS trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu, tiếp cận với tài liệu, công bố khoa học mới nhất để tham khảo và nâng cao chất lượng luận án.
Cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nghiên cứu sinh không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng với mức đủ bảo đảm chi phí sinh hoạt hằng tháng và kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn thiện luận án TS, thậm chí còn được nhận lương khi tham gia trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn (như ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…). Còn ở VN, nghiên cứu sinh vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo.
Hiện nhà nước mới chỉ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh được lựa chọn theo đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2030 bao gồm: hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài luận án (từ 13 - 20 triệu đồng/người học/năm và không quá 4 năm); hỗ trợ đăng bài báo khoa học quốc tế; hỗ trợ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc thực tập ngắn hạn ở nước ngoài (một lần trong cả quá trình đào tạo).
74,4% nhân lực chỉ được chia 6,91% "miếng bánh" kinh phí
Kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thực hiện ở các trường ĐH còn khiêm tốn, chưa tương xứng với năng lực và tiềm năng của các nhà trường. Tỷ lệ cán bộ làm nghiên cứu phát triển có trình độ TS trở lên ở các trường ĐH chiếm 74,4% (16.810 người) trong tổng số 22.578 TS của cả nước. Trong khi đó, chi cho nghiên cứu phát triển tại các trường ĐH, học viện chỉ chiếm 6,91% tổng chi cho hoạt động này.
COI ĐÀO TẠO TIẾN SĨ LÀ ĐÀO TẠO TINH HOA
Theo UB VH-GD, để nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo trình độ TS, cần triển khai tốt một số định hướng nhiệm vụ, giải pháp, trong đó phải quán triệt quan điểm coi đào tạo TS là đào tạo tinh hoa.
Quan tâm phát triển hài hòa về số lượng và chất lượng trong đào tạo TS; kiểm soát chất lượng đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đầu ra. Có cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo trình độ TS ở các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi.
Một giải pháp khác được nêu ra là tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng. Và đặc biệt, cần tăng cường nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư công cho nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ. Cải tiến cơ chế tài chính, thay đổi phương thức cấp phát kinh phí cho đào tạo và nghiên cứu sang hình thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ.
Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho các ngành khoa học cơ bản, các lĩnh vực nghiên cứu cần thiết mà nhà nước có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng khó thu hút người học. Xây dựng chính sách hỗ trợ học bổng, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu, học tập xuất sắc, những đề tài/luận án có tính ứng dụng cao. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng hoạt động đào tạo TS, tiêu chuẩn tối thiểu đánh giá chất lượng của các luận án TS ở từng ngành theo hướng tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.
Trên cơ sở các đánh giá trên, UB VH-GD đề xuất với Quốc hội là cần có nghị quyết chuyên đề về định hướng chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trong đó có những quy định định hướng mục tiêu chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và phát triển đội ngũ TS với tư cách là bộ phận tinh hoa trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ TS.
Đồng thời, nghị quyết cũng cần làm rõ lộ trình nâng tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho GD ĐH tính trên GDP đạt mức trung bình của các nước trong khu vực; tăng định mức đầu tư cho đào tạo TS nói riêng và đào tạo sau ĐH nói chung, bảo đảm hiệu quả và chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao. Có định hướng đầu tư tập trung cho các cơ sở giáo dục ĐH có tiềm lực và chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong hệ thống, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để hình thành một số cơ sở giáo dục ĐH đẳng cấp quốc tế, có vai trò tiên phong, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.
Động cơ làm tiến sĩ còn lệch lạc do chú trọng bằng cấp
Báo cáo của UB VH-GD nhận định, về cơ cấu tuyển sinh, khoảng 60 - 70% thí sinh đến từ các cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ quan nghiên cứu. Có khoảng gần 30% thí sinh đang công tác tại các cơ quan quản lý, hành chính sự nghiệp (thí sinh là các đối tượng khác như doanh nghiệp tư nhân hoặc đơn vị khác chiếm tỷ lệ không đáng kể). Con số này là một căn cứ để khi đánh giá nguyên nhân của một số tồn tại trong thực trạng đào tạo TS, UB VH-GD chỉ ra "xu hướng chú trọng bằng cấp trong sử dụng, quản lý cán bộ dẫn đến động cơ làm TS của không ít nghiên cứu sinh bị lệch lạc".
Về quy mô đào tạo, mặc dù giai đoạn 2000 - 2001 có sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng tình hình tuyển sinh hiện tại rất khó khăn. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, trung bình những năm gần đây chỉ đạt khoảng trên 32%, dẫn tới nhiều nơi không có sự cạnh tranh, nảy sinh sự dễ dãi trong tuyển chọn đầu vào, đặc biệt là về năng lực nghiên cứu chuyên môn.
Về chất lượng đào tạo, UB VH-GD cho rằng việc đánh giá chất lượng luận án TS nói riêng, chất lượng đào tạo TS nói chung không đồng đều trong toàn hệ thống. Có hiện tượng dễ dãi trong thành lập hội đồng đánh giá luận án; còn tình trạng nể nang khi thông qua những luận án có giá trị thực tế, hàm lượng khoa học không cao, phạm vi tác động hẹp...
Quy trình đánh giá lại luận án còn nặng về thủ tục, hình thức và chưa thật sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt, báo cáo cũng lưu ý về thực trạng "chưa có quy định chung về vấn đề đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật; chưa xây dựng được phần mềm sử dụng chung và cơ sở dữ liệu đủ lớn để phòng, chống sao chép trong đào tạo, nghiên cứu và công bố công trình khoa học, luận án TS".