Với sự phát triển của công nghệ,àmquảntrịcơsởdữliệuthunhậphơntriệuđồngthástardew valley dữ liệu thông tin trở thành tài sản vô giá của các tập đoàn, công ty. Chính vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần nhân sự chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ dữ liệu nhằm đảm bảo hệ thống của DN được lưu trữ, không bị lỗi và luôn sẵn sàng cho người dùng truy cập liên tục. Đó là công việc của chuyên viên quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator, gọi tắt là DBA).
Cơ hội việc làm giai đoạn công nghệ thông tin bùng nổ
Hiện đang làm việc tự do, Lê Văn Trường Anh (24 tuổi), ngụ tại P.Tân Kiểng, Q.7 (TP.HCM), muốn học thêm về DBA để có cơ hội tìm việc trong giai đoạn công nghệ thông tin bùng nổ.
"Mình thấy xu hướng cần nhân lực xử lý thông tin và dữ liệu rất quan trọng, đặc biệt là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, nếu gặp vấn đề sẽ không biết cách bảo vệ hệ thống. Do đó, mình muốn biết thêm về DBA để tích lũy kiến thức nếu sau này có quyết định theo nghề", Trường Anh chia sẻ.
Có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này, Đỗ Anh Đức (27 tuổi), chuyên viên quản trị cơ sở dữ liệu của VietBank (Q.3, TP.HCM), bày tỏ rất yêu thích công việc vì giúp Đức hiểu hơn về quy trình và vòng đời của dữ liệu.
"Cơ hội việc làm của ngành DBA khá hot gần đây, càng làm lâu dài sẽ có thêm kinh nghiệm và lương cũng được tăng lên. Hiện tại, mức thu nhập cho sinh viên mới ra trường có chuyên môn hoặc chuyên viên từ 1 - 2 năm kinh nghiệm dao động vào khoảng 15 - 25 triệu đồng/tháng", Đức cho biết.
Mỗi ngày, chàng trai này thực hiện nhiều bước làm việc khác nhau như kiểm tra toàn bộ trạng thái của các cơ sở dữ liệu trong môi trường sản xuất, xem các bản sao lưu có đầy đủ và được chạy theo lịch trình hay không, theo dõi tình trạng lưu trữ, đồng bộ của dữ liệu… "Ngoài ra, mình cần xử lý các lỗi ứng dụng được phản hồi từ người dùng, hỗ trợ và triển khai các môi trường phát triển cho sản phẩm, dự án của DN. Cuối ngày sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống một lần nữa rồi kết thúc công việc", Đức cho hay.
Để làm việc hiệu quả, Đức chia sẻ người trẻ cần nắm chắc kiến thức về một số hệ cơ sở dữ liệu cơ bản, như Oracle, SQL Server, PostgreSQL, MySQL… và học thêm các kỹ năng về khoa học máy tính, lập trình, sao lưu, phục hồi dữ liệu.
"Người trẻ cần rèn tính tự học, vì ngành này sẽ phải cần rất nhiều kinh nghiệm để tăng khả năng đối mặt với mọi trường hợp sự cố xảy ra. Cho nên hãy kết nối với những chuyên gia có thâm niên để thu thập thêm nhiều kiến thức quý báu cho bản thân và chủ động tìm cơ hội thăng tiến trong công việc", anh nói.
Thu nhập có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng
Chia sẻ về cơ hội việc làm ngành DBA, chị Nguyễn Thị Uyên, Trưởng phòng khách hàng, Viện Công nghệ kỹ thuật Sài Gòn, cho biết: "Tại VN, quản trị cơ sở dữ liệu ngày càng giữ vai trò quan trọng và được ứng dụng trên mọi lĩnh vực, như ngân hàng, tài chính, viễn thông, quân đội, sản xuất, chứng khoán… Chính vì những tiện ích thực tế đó, DBA đã trở thành ngành có nhu cầu tuyển dụng cao".
Cũng theo chị Uyên, đây là công việc có lộ trình thăng tiến rõ ràng với mức lương trung bình là 27,5 triệu đồng/tháng và có thu nhập phổ biến từ 17 - 38 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ở những vị trí trưởng phòng, chuyên viên quản trị cơ sở dữ liệu cao cấp có thể đạt mức lương 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Có 14 năm giảng dạy về công nghệ thông tin và DBA, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Học viện UpSkill (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết thực tế ngành này đã được tuyển dụng tại VN từ lâu và luôn là vị trí có yêu cầu khá cao.
"Sinh viên khi ra trường thường chọn làm lập trình viên hay thiết kế về mạng máy tính, hạ tầng hệ thống… vì đây là các công việc quen thuộc trên thị trường lao động. Ngoài ra, do VN có ít trường đào tạo chuyên ngành riêng về cơ sở dữ liệu nên nhân sự trẻ chưa đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng nếu chưa học bài bản và có lộ trình rõ ràng", ông Sơn nói.
Khi được hỏi: "Những lưu ý khi quyết định làm DBA?", vị giám đốc này cho hay hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu rất quan trọng đối với bất kỳ tổ chức nào nên cần được xây dựng hợp lý và bảo mật. Do đó, người theo nghề này cần đảm bảo sự cẩn thận và giữ bình tĩnh để đưa ra giải pháp khi hệ thống gặp lỗi, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến DN.
Từng gặp sự cố "nhớ đời" khi làm việc với các chuyên viên DBA trẻ, ông Sơn kể: "Có lần ứng dụng không kết nối được hệ quản trị cơ sở dữ liệu, các bạn bắt đầu rối nên khi tìm nguyên nhân để khắc phục lại mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến các giao dịch quan trọng của công ty. Với vai trò DBA, cần luôn chuẩn bị các giải pháp dự phòng khi sự cố xảy ra, những tài liệu liên quan đến hệ thống cần chuẩn hóa để đảm bảo có đầy đủ thông tin khi cần thiết".
Bật mí các bí quyết theo nghề, chuyên gia này chia sẻ thêm lộ trình thành công không quá khó khăn nhưng cần sự kiên trì và chứng minh được năng lực nghề nghiệp. "Các bạn cần biết các kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng máy tính, hệ điều hành, lập trình và quản lý thành thạo hệ cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, cần đầu tư thi các chứng chỉ quốc tế uy tín liên quan đến DBA như OCA, OCP, LPIC 1, LPIC 2… nhằm tăng cơ hội ứng tuyển", ông Sơn cho hay.